Tổng hội nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các đơn vị đã tổ chức lễ vinh danh 100 mô hình cánh đồng có giá trị, năng suất chất lượng hiệu quả tiêu biểu cho thành tựu nông nghiệp.
"Tri thức là chìa khóa cho thành công trong mỗi lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, vì vậy tôi đã vận dụng khoa học kỹ thuật triệt để. Tôi có điều kiện được gặp gỡ rất nhiều nhà khoa học và học hỏi từ họ. Bên cạnh đó tôi luôn xem cánh đồng là đứa con thân yêu cần theo sát nó. Đó là những yếu tố giúp tôi có được thành công nhờ sản xuất nông nghiệp", ông Đinh Xuân Thu, chủ trang trại ở thôn 10, xã Nâm N’Jang (Đăk Song, Đăk Nông) chia sẻ.
Trang trại 40 ha tiêu được ông Thu ứng dụng bón phân sinh học 95%, tự tạo trùn quế làm phân, phục hồi được cây tiêu lâu năm cho ra trái, kích tiêu nở sớm không phụ thuộc thời tiết. Ngoài trông tiêu, ông còn nuôi lợn, dê. Mỗi năm trang trại thu nhập 5-7 tỷ đồng.
|
Trang trại ông Đinh Xuân Thu (bên phải) có hơn 40 ha hồ tiêu. Ảnh: báo Đăk Nông.
|
Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao ở phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cũng là một trong số nhiều "cánh đồng vàng" được vinh danh. Hợp tác xã hoạt động theo mô hình cánh đồng lớn với trên diện tích 135 ha, cho năng suất 8-8,5 tấn/năm.
"Do nắm được kỹ thuật như ba giảm ba tăng, ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, bảo đảm sản phẩm làm ra an toàn cho người tiêu dùng nên mỗi năm chúng tôi thu về hàng tỷ đồng", ông Nguyễn Văn Cư, làm việc ở tổ hợp sản xuất cho biết.
Mô hình sản xuất của Hợp tác xã sản xuất rau an toàn quận Bình thủy, TP Cần Thơ với tổng diện tích canh tác hơn 11 ha rau màu các loại cho năng suất 700-800 tấn một năm, với lợi nhuận trên một tỷ đồng/năm.
Ông Trần Thanh Liêm, chủ nhiệm hợp tác xã cho biết đã làm tất cả dịch vụ tức là đáp ứng từ vật tư nông nghiệp, hạt giống cho tới thu mua sản phẩm nên xã viên được bán hàng mà không lo mối lái.
Chương trình "Cánh đồng vàng" được phát động từ tháng 4/2015 với 500 mô hình. Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết mô hình cánh đồng lớn ra đời cách đây 5 năm tại Đồng bằng sông Cửu Long và bắt đầu từ cây lúa với tên gọi cánh đồng mẫu lớn.
Qua 5 năm phát triển, mô hình cánh đồng lớn đã chứng minh phù hợp với sản xuất nông nghiệp một cách khoa học, bền vững. Các cánh đồng lớn đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước, không chỉ với cây lúa mà còn ở rau màu, hoa quả và các loại cây công nghiệp khác.
Theo vnexpress
Gửi bình luận của bạn